;

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

bệnh viêm gan C mãn tính

Sau khi bị nhiễm virus viêm gan C, có khoảng 30-40% người khỏi hoàn toàn không để lại di chứng gì. Số người còn lại sẽ có khoảng 20-25% mang virus viêm gan C không có triệu chứng, còn lại thì chuyển sang dạng bệnh viêm gan C mãn tính. Trong số bệnh viêm gan C mãn tính sẽ có khoảng 20% chuyển thành xơ gan, 1-5% chuyển thành ung thư gan.


Xét trên góc độ lây truyền và hậu quả do nhiễm virus viêm gan C thì đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm.

Thuốc và cách dùng

Trước khi dùng thuốc, cần thăm khám các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm:

-Sinh thiết gan được xem là "tiêu chuẩn vàng" để xác định mức độ bệnh và quyết định việc dùng thuốc nhưng tâm lý chung của người bệnh là không muốn làm.

-Chỉ số enzym ALT và chỉ số bilirubin tăng cao khi bị bệnh viêm gan C nhưng cũng tăng cao do các bệnh viêm gan khác nên không có tính đặc trưng.

-Test nhanh với que thử virus viêm gan.

-Ở những tuyến y tế có điều kiện kỹ thuật cao còn xác định kháng thể chống virus viêm gan C hoặc định lượng ARN của virus viêm gan C.

-Nếu nghi ngờ bị mắc bệnh do virus viêm gan C nên chấp nhận làm mọi xét nghiệm để xác định và tiên lượng bệnh được chính xác.

Phác đồ điều trị hiện nay gồm có hai thuốc: interferon và ribavirin.

Interferon: Kháng virus (ức chế quá trình nhân đôi virus) tác động vào hệ miễn dịch (tăng kích thước tế bào miễn dịch và đại thực bào). Không dùng đường uống (vì thuốc bị thủy phân trong ống tiêu hóa). Chỉ dùng tiêm bắp, có loại chỉ dùng tiêm tĩnh mạch (vì bị hủy trong bắp thịt).

Ribavirin: Là những thuốc ức chế sự tổng hợp acid nucleic của virus chung được dùng trong nhiều bệnh do nhiễm virus như bị nhiễm herpes simplex (gây bệnh ngoài da, niêm mạc), herpex zoster (gây bệnh zona), nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp (cúm...) và được chọn dùng trong viêm gan do virus viêm gan C. Thường dùng với liều 800-1.200mg/ngày. Hai thuốc này phải dùng kết hợp. Dùng riêng lẻ không có hiệu quả.

Thuốc có một số tác dụng phụ: interferon có thể gây dị ứng, giả cúm (mệt, sốt, ớn lạnh), các triệu chứng thần kinh (chóng mặt, choáng váng, trầm cảm, lú lẫn, kích động...); làm thay đổi công thức máu và làm một số chỉ số enzym (SOGT, phosphatase kiềm LDH và bilirubin) nhưng rất hiếm khi gây viêm gan. Người có bệnh tim nặng, suy tủy nặng, có tiền sử động kinh hoặc tổn thương chức năng thần kinh không được dùng. Ribavirin gây độc cho người suy thận, thiếu máu, có thai, không được dùng cho các đối tượng này. Ngoài các chống chỉ định nói trên hầu hết người bệnh ít xảy ra tác dụng phụ, nếu có cũng chịu đựng được, nhưng khi dùng cần theo dõi cẩn thận.

Nhìn vào cơ chế thì các thuốc trên hầu như chưa có tính đặc hiệu song thực tế cho hiệu quả cao, có thể chữa khỏi viêm gan C cho phần lớn người bệnh (có tài liệu nói 60%, có tài liệu nói 70%), hiện được coi là chọn lựa hàng đầu, là phác đồ bắt buộc. Trong điều trị viêm gan C, chỉ khi nào loại trừ được virus viêm gan C ra khỏi cơ thể thì mới có thể chặn đứng được diễn tiến xấu của bệnh và ngăn ngừa được xơ gan, ung thư gan, thậm chí giảm được mức độ xơ hóa gan của người bệnh xơ gan sớm. Người bệnh khi đã điều trị không tự ý dừng thuốc.

Hai loại thuốc trên đều đắt tiền, cần dùng trong thời gian dài nên phải có sự chuẩn bị về kinh tế và kiên nhẫn.

Có một số tài liệu nói về các thảo dược chữa bệnh viêm gan C nhưng chưa có bằng chứng về hiệu quả, mức độ tin cậy chưa cao, chỉ có giá trị tham khảo, phải nghiên cứu thêm. Một số người khi bị viêm gan C còn dùng PMC với biệt dược nissel hay omitan (Hàn Quốc); DDB với biệt dược fortec (Hàn Quốc), bedipa (Việt Nam). Chúng là các chất tổng hợp, tương tự như schisandrin C, phân lập từ ngũ vị tử bắc (schisandra sinensis schisandraceae). Đây là những thuốc tăng cường chức năng gan, giúp cho việc giải độc, thải độc, tái tạo tế bào gan do đó bảo vệ được gan, chứ không phải là thuốc kháng virus viêm gan C và chỉ dùng trong thời điểm nhất định. Khi chẩn đoán đúng là bị viêm gan do virus viêm gan C, nhất là trong trường hợp nghiêm trọng thì phải dùng các thuốc theo phác đồ nói trên.

Hằng năm có tới 3% dân số thế giới mắc bệnh và 170 triệu người mang virus bệnh viêm gan C. Ở Việt Nam, số người mang virus viêm gan C không có triệu chứng là 10%. Đường lây truyền chủ yếu là tiếp xúc với máu của người bệnh, nhưng cũng có khoảng 50% người mang virus viêm gan C không xác định được bị lây nhiễm theo đường nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét